CÁCH ỨNG XỬ CỦA HỌC SINH VỚI THẦY CÔ GIÁO
NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG
Trong nhiều năm gần đây, nhiều người tự đặt ra câu hỏi liệu cách ứng xử của học sinh với thầy cô giáo có đang dần bị thay đổi và có chiều hướng lệch lạc. Điều này là vấn đề rất đáng lo ngại và cần được người lớn, bậc phụ huynh quan tâm, chỉ bảo con em mình. Cùng đọc bài viết để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé!
Thực trạng về cách ứng xử của học sinh với thầy cô giáo hiện nay
Từ xưa đến nay, chúng ta đều biết rằng người phương Đông nói chung và của người Việt Nam nói riêng rất coi trọng văn hóa ứng xử. Kính trên nhường dưới, tôn trọng người lớn thầy cô giáo luôn là những yếu tố hàng đầu mà các bậc cha mẹ luôn ghi nhớ và dạy dỗ con cái của mình.
Tuy nhiên, bởi rất nhiều lý do từ môi trường sống, sự phát triển của xã hội cùng những phương tiện đại chúng với các nội dung lệch lạc chuẩn mực đạo đức… Tất cả dường như đang tạo nên một rào cản, vô hình khiến những đứa trẻ ngày nay thay đổi về cách ứng xử. Chúng ta không khỏi giật mình và lo lắng khi đọc những thông tin, bài báo về những hành vi thiếu tôn trọng thầy cô giáo trong thời gian gần đây.
Xuất hiện nhiều tình trạng học sinh vô lễ với giáo viên
Không những thế, mọi thứ lại càng trở nên tệ hơn với những trường hợp học sinh còn cãi lại thậm chí là hành hung giáo viên của mình – những người đã dạy dỗ và truyền đạt kiến thức giúp chúng trường thành từng ngày. Tôn sư trọng đạo, yêu thương quý mến thầy cô giáo vẫn luôn là nét văn hóa được lưu giữ suốt bao đời này. Tuy nhiên, giờ đây người ta vẫn đang lo ngại rằng đến một lúc nào đó, liệu thế hệ trẻ có còn lưu giữ được nét đẹp ấy hay không?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh có cách ứng xử chưa đúng mực
Không thể phủ nhận rằng học sinh Việt Nam vẫn đang giữ được nét văn hóa ứng xử vô cùng đáng quý. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ nào đó đã vô tình đánh mất đi điều này. Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng vì đâu mà dần dần chúng lại quên đi cách ứng xử của học sinh với thầy cô giáo của mình?
Điều này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Từ gia đình, nhà trường và ngay cả bản thân của học sinh đó. Gia đình ít quan tâm và dạy dỗ cách cư xử, giao tiếp của trẻ nhỏ đối với người lớn. Họ mặc định rằng khi đến trường, giáo viên sẽ là người phải chịu trách nhiệm chỉ bảo những điều trên. Một bộ phận cha mẹ vì quá bận bịu và vô tâm với con cái của mình nên đã dẫn đến tình trạng này.
Ngoài ra, một giáo viên với cách ứng xử chưa thực sự đúng chuẩn mực đã vô tình để lại hình ảnh xấu cho học sinh. Điều này vô tình tạo nên những thói quen xấu cho những đứa trẻ. Dẫn đến việc chúng học theo và nghĩ rằng đó là đúng, là hợp lý.
Đồng thời, cũng sẽ có những đứa trẻ vốn dĩ đã ngỗ ngược, cộng thêm việc tiếp xúc với những nội dung lệch lạc về suy nghĩ, hành động trên các trang mạng xã hội. Điều này xây dựng lên những nét tính cách mạnh, cư xử theo chiều hướng tiêu cực thậm chí là bạo lực.
Cách xây dựng quy tắc ứng xử chuẩn mực của học sinh với thầy cô giáo
Là học sinh, sinh viên, khi đến trường lớp cần phải có thái độ học tập và cư xử đúng đắn. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng tự mình ý thức được điều đó mà cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ sát sao từ cha mẹ, thầy cô, mọi người xung quanh bằng những phương pháp hiệu quả.
Cha mẹ có thái độ nghiêm túc trong vấn đề quy tắc ứng xử của con cái
Trước hết, mỗi người cha, người mẹ cần phải xác định đúng nhiệm vụ và vai trò của mình đối với cuộc đời của con cái. Họ phải có trách nhiệm dạy bảo, hướng dẫn và bước đi cùng chúng trên mọi chặng đường.
Ngay từ nhỏ, hãy ở cạnh con, chỉ bảo con những cách cư xử xã hội, với người lớn thế nào là đúng, là chuẩn mực. Điều này phải được thực hiện ngay từ khi con còn nhỏ. Với cách trò chuyện, trao đổi này thì đứa trẻ không những được hình thành tính cách tốt mà còn giúp tăng mối gắn kết giữa cha mẹ và con cái.
Cha mẹ cần phải giải thích rõ tại sao chúng cần phải tôn trọng thầy cô giáo của mình. Nói cho chúng những hành động nào là nên và không nên với giáo viên. Ngoài ra, hãy dành thời gian lắng nghe những câu chuyện của con khi ở trường để kịp thời nhận ra những vấn đề.
Thầy cô giáo là người bạn đồng hành nhưng phải đúng chuẩn mực giao tiếp
Tiêu chí của giáo dục hiện nay không phải là thầy cô phải luôn dạy dỗ, chỉ bảo học trò. Họ cũng không thể ép những đứa trẻ răm rắp nghe theo những ý kiến của mình. Ngược lại, thầy cô hãy trở thành những người bạn đồng hành, người hỗ trợ để những đứa trẻ lớn lên và trường thành. Chính vì vậy, họ cũng phải có cách ứng xử đúng đắn.
Giữa thầy cô và học trò không nhất thiết phải có một ranh giới quá rõ ràng nhưng vẫn phải đảm bảo đúng chuẩn mực. Điều này thực chất khá khó khăn và cũng có thể xem là một áp lực đối với các thầy cô giáo.
Bởi lẽ nếu quá rạch ròi thì vô tình tạo nên khoảng cách đối với học sinh của mình. Nhưng nếu quá thân thiết lại vô tình khiến chúng trở nên không có quy tắc, xưng hô và hành động không đúng với cương vị là học trò.
Tổ chức xây dựng các chương trình về văn hóa ứng xử
Một trong những hình thức giáo dục mang hiệu quả cao và cách thức rất tự nhiên chính là tổ chức các chương trình về văn hóa ứng xử. Đó có thể là các cuộc tọa đàm, các cuộc thi, hội thảo, chuyên đề hoặc thậm chí chỉ là một talk show nhỏ về chủ đề cách ứng xử của học sinh với thầy cô giáo.
Tại đây, nhà trường có thể lồng ghép các tấm gương tiêu biểu về cư xử đúng mực, những câu chuyện gần gũi với đời sống… Nhằm mục đích lồng ghép các bài học để học sinh có thể hiểu rõ và từ đó nhận thức được mình nên làm những gì.
Ngoài ra, các cuộc thi hay chương trình này còn mang lại những kiến thức bổ ích cùng cơ hội để học sinh và thầy cô gần gũi, hiểu nhau hơn. Từ đó có thể dễ dàng trò chuyện, trao đổi, lắng nghe những tâm sự và giúp đỡ chúng vượt qua những vấn đề khó khăn.
Với cách ứng xử của học sinh với thầy cô giáo đúng chuẩn mực sẽ xây dựng nên mối quan hệ thầy trò tốt đẹp hơn. Điều này cũng chính là văn hóa và lối sống của con người phương Đông. Vì vậy, người lớn, cha mẹ hãy quan tâm và kịp thời can thiệp để con em mình không mắc phải những sai lầm trong cách ứng xử không những với thầy cô mà còn với tất cả mọi người nhé!
Người tuyên truyền
Nguyễn Thị Thu Chinh